Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

NẤM MỐI (NẤM TRỜI) – MÓN NGON TRỜI CHO

Nếu những ai đã từng ăn qua nấm mối thì sẽ không bao giờ quên được vị sần sựt, ngọt nhẹ và mùi thơm thoang thoảng của món nấm ấy. Thực vậy, mình đã nếm qua rồi và vẫn không bao giờ quên được vị thơm ngon ngọt ấy đọng lại trong miệng. Ngon tuyệt cú mèo!^-^!

Hàng năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng năm tháng năm âm lịch), thời tiết miền Đông Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng vô cùng đặc biệt, đó là xuất hiện những cơn mưa nặng liên tiếp sau đó là những đợt nắng ấm chớm nở kéo dài trong khoảng một đến hai tháng. Đây chính là điều kiện nóng ẩm thuận lợi để men/nước bọt của những chú mối tiết ra xung quanh tổ của mình phát triển thành những ụ nấm. Đến bây giờ, chúng ta vẫn không thể được hiểu vì sao nấm mối chỉ phát triển trong thời gian này trong năm. Đây là loại nấm mọc tự nhiên, chúng ta vẫn chưa thể gieo trồng được. Mẹ mình nói rằng ngày trước ông bà ta thường gọi nấm này là “nấm ma” vì không thể biết nguồn gốc sinh trưởng của nó và chỉ những người “yếu bóng vía” mới săn được loại nấm này còn người “nặng bóng vía” thì dù có gặp được thì cũng có thể giẫm lên mà đi cũng không thể phát hiện được. Cho đến nay, qua thời gian dài quan sát, mọi người đều thấy chúng thường phát triển ở những gò đất, ụ đất cao nằm gần tổ mối nên cái tên “nấm mối” được hình thành đã tự bao giờ. Với hương vị độc đáo cùng với điều kiện sinh trưởng đặc biệt trong môi trường tự nhiên (chỉ phát triển với số lượng hạn chế trong thời gian từ một đến hai tháng trong năm) loại nấm này thật xứng với tên gọi “nấm trời” – một món ngon mà tự nhiên đã ban tặng cho chúng ta!

Vòng đời sinh trưởng của loài nấm này cũng thật ngắn ngủi, chỉ tồn tại đến 3 ngày. Dưới điều kiện thời tiết thuận lợi, qua một ngày, những mầm nấm sẽ nhô lên khỏi mặt đất, lúc này nấm ở dạng búp nhỏ. Đây là thời điểm tốt nhất để thu hoạch vì chất lượng nấm trong giai đoạn này là ngon nhất. Sau 3 ngày, những tán nấm xòe rộng, thân nấm cũng mọc dài thêm giống như chiếc dù đang mở rộng, nếu nấm không được nhổ lên khỏi mặt đất, nấm sẽ héo tàn và trở thành thức ăn cho tổ mối. Tương truyền rằng, nấm mối phải nhổ được bằng tay, không được dùng bất kỳ vật kim loại nào để nhổ vì như vậy mùa sau nấm sẽ lặn mất. Mình nhớ lúc nhỏ, một buổi chiều khi đi câu cá bống về ngang qua sau hè, mình lúc đó lần đầu tiên trong đời nhìn thấy ụ nấm mối còn non, vui lắm í, một niềm vui không thể tả! liền vội vàng chạy về nói với ba mẹ, sau đó lấy tàu lá dừa che lại. Một mặt là đánh dấu chủ quyền ụ nấm mối, một mặt là bảo vệ nấm để tránh ai đó giẫm đạp lên. Sáng hôm sau, không thể đợi được liền chạy ra sau hè thăm ụ nấm của mình để xem thu hoạch được chưa, mình nhớ lần đó được thưởng thức một tô canh nấm mối lá cách ngon lành. Ực! Muốn nấm mối phát huy tối đa được vị ngon vốn có, người chế biến thật sự phải có tay nghề.

Mình không dám nói mẹ mình là chuyên gia nấu ăn nhưng cách mẹ nấu những tô canh nấm mối ngon lành hay một nồi đất nấm mối kho tiêu ấm ấm cay cay làm cả nhà không thể kìm lòng được ăn liền mấy chén cơm, ăn bụng no nóc mà vẫn còn thòm thèm thì quả thật mình phải công nhận mẹ mình nấu ăn thật có nghề. Nên mình mạn phép chia sẻ cách mẹ mình sơ chế nấm mối cho mọi người tham khảo, nếu có thêm thông tin bổ ích nào thì chia sẻ với mình nha.


Nấm mối mới hái


Nấm mối lúc mua về còn nguyên đất, trước hết phải cạo sạch đất bám sau đó ngâm vào nước muối. Sau khi ngâm trong khoảng 10 phút, sẽ rửa qua hai lần nước sạch. Mình sẽ có một rổ nấm mối sạch sẽ ngon lành để chuẩn bị chế biến. Để nấm dậy vị thơm ngọt nhẹ tự nhiên, mẹ mình dùng dầu ăn/mỡ nước phi tỏi thơm xào nấm mối cùng với muối ớt (dùng ớt hiểm nha! đâm nhuyễn với muối, thêm một chút bột ngọt, nhà mình ăn bột ngọt, nếu nhà bạn nào không thích bột ngọt thì thay vào đó thêm một ít đường), đảo nhanh đều trong khoảng 2 phút.



Sau khi đã cạo sạch đất
 

Đã rửa sạch
 
Lá cách

Từ đó, chúng ta sẽ chế biến theo từng món tùy thích như là: canh nấm mối lá cách, nấm mối kho tiêu, nấm mối xào nước cốt dừa với củ hủ dừa, nấm mối xào măng, đổ bánh xèo nấm mối, nấm mối nướng rau răm với hành phi... Riêng mình thích nhất là canh nấm mối lá cách.

Cây lá cách

 Thật lòng mà nói mình thấy nấm mối thật hòa hợp với ớt hiểm và lá cách, ba vị ấy dung hòa thật hoàn hảo! Cứ nhắm mắt là mình nhớ vị ngọt thanh, thơm lừng của nấm mối, nước canh ngọt ngào, mằn mặn, cay cay vị muối ớt cùng với vị nhân nhẫn của lá cách, tất cả hòa quyện và tan chảy trong miệng! (Chẹp chẹp, nhớ quá! Nhưng năm sau mình mới được thưởng thức lần nữa, hic!). 


Ớt hiểm
 

Canh nấm mối lá cách
 

Nấm mối kho tiêu
 
Ba mẹ mình có một kiến thức rất rộng về các món ăn dân dã của ông bà ta ngày xưa, cứ mỗi lần ăn cơm, mình thường nghe mẹ nói “bà ngoại nói là món ăn này cần phải…”, còn ba lại bảo “ông nội lúc còn sống thích nhất là món…” nên mình nghĩ nên dành lại một ít thời gian viết lại những điều mà ba mẹ từng kể với mình. Bài viết về món ăn đầu tiên mình đã quyết định viết về nấm mối bởi vì nó đọng lại nhiều ký ức của mình về món ăn của mẹ. Khi nấu món ăn nhất là món nấm mối, mẹ luôn luôn tính toán thời gian cẩn thận để cả nhà thưởng thức bữa cơm trưa ngon lành nhất, đúng lúc ba vừa đi làm về, đúng lúc cơm vừa chín, đúng lúc canh nấm mối vừa sôi và đúng lúc bàn ăn vừa dọn sẵn…* - *…! (Ừmh, Thật ấm cúng!) Chúc mọi người có một buổi cơm ngon miệng và ấm áp bên gia đình nha! (Tổng hợp theo kinh nghiệm của ba mẹ).

Fruitie Cake.


P.S: Mình nhớ lúc còn nhỏ xíu, nhà mình vẫn còn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng món ăn mà mình được ăn lúc đó đến giờ vẫn nhớ mãi. Vì thiếu thốn nên mình thường rủ cả bọn đi lên đồng, tát mương bắt cá lóc sau đó lấy rơm nướng cá chia nhau ăn ngon lành. Món ăn đồng quê dân dã dù bây giờ cuộc sống đã đầy đủ nhưng vẫn khó mà nếm lại được. Đặc biệt là món chim khúm núm nướng ăn với xôi nếp. Ngon lạ lùng! Vì khúm núm cũng là một loại chim trời rất khó bẫy bắt nên dần dà ngày nay mình cũng không còn thấy bán loại chim này nữa…Nên món này rất lâu đã không nằm trong thực đơn của nhà mình. Nhớ hoài một thời tuổi thơ!