Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

CUA GẠCH RANG MỠ


Đợt này về quê mình có cua gạch để ăn. Sướng ghê! Trong năm nhà mình chỉ có một lần được ăn cua gạch mua tại vựa ở Thạnh Phú (một phần cũng vì rất khó mua được cua gạch ngon, một phần là do gạch cua rất béo, ăn một lần mà tạo cảm giác rất ngán nên đối với nhà mình vậy là đủ rồi). 

Cua thịt và cua gạch lẫn lộn
Cua được làm sạch để chuẩn bị làm món cua gạch rang mỡ


Cận cảnh cua gạch (gạch cua còn tươi có màu đỏ cam rất đẹp!)

Cua gạch
Bí quyết để món cua rang mỡ ngon của mẹ mình đó chính là nước dừa. Trước hết, bắc chảo trên bếp cho nóng thì cho dầu ăn/mỡ và tỏi vào phi thơm, tiếp đó cho cua vào rang, thêm một ít muối, đường, bột nêm đảo đều trong 2 phút thì cho nước dừa vào xâm xấp mặt cua, rang cho đến khi cua chín, gạch cua săn cứng lại và nước dừa cạn thì tắt bếp. Cho cua vào dĩa dọn ra bàn, ăn với cơm nóng rất ngon! Cua vốn dĩ rất ngọt thịt, thêm tỏi phi át đi mùi tanh của cua và nước dừa làm cho gạch và thịt cua thêm ngọt đậm đà và có mùi thơm rất quyến rũ!




Khi chín, gạch cua có màu đỏ au giống như màu đỏ của ánh mặt trời lúc về chiều, và săn lại nhưng vẫn dẻo, bùi và thơm. Khi có dịp thì hãy thử làm món này thưởng thức cùng với gia đình nhé!


Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

CÔNG THỨC (LÁ) SƯƠNG SÂM ƯNG Ý


Mình thật không ngờ đã viết được 5 bài về cách làm lá sâm, hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm nho nhỏ của mình có thể hữu dụng cho những bạn mới ban đầu biết đến loại lá dân dã nhưng làm ra món sương sâm rất tốt cho sức khoẻ này.

Thông thường khi mình nghiên cứu được một công thức món ăn ưng ý thì mình sẽ ngưng viết về món ấy nữa. Với lá sâm cũng vậy, mình đã làm và ăn thử sương sâm lông nguyên chất, hỗn hợp sương sâm lông với sâm trơn và sương sâm trơn nguyên chất. Mình thấy thật sự kết sương sâm trơn nguyên chất nhất và mình đã tìm được công thức sương sâm ngon, không quá đặc cũng không quá lỏng, giòn tan mát lạnh trong miệng, nên mình sẽ tạm dừng các bài viết về lá sâm ở đây nhé!

Công thức (mình vừa ý):
  • 1,4 lít nước ấm/nước uống đóng chai
  • 130gram-125gram lá sâm tươi đã rửa sạch
Với công thức này, chắc chắn bạn sẽ có một ly sương sâm ngon lành với từng viên lá sâm tan trong miệng...


Bạn sẽ thấy lá sâm đặc thành từng khối trong veo xanh tươi như vầy! Nhìn thật mát mắt nhỉ! Chưa ăn mà đã thấy mát rồi.

  Măm!

(Ghi chú nhỏ: Đôi khi trong các bài mình viết về lá sâm, bạn sẽ bắt gặp một số chỗ mình dùng từ "sương sâm" hoặc "lá sâm", thực ra là một thôi, vì ở quê mình mọi người cứ gọi sản phẩm vò ra từ lá sâm cũng là lá sâm luôn, chứ không như một vài nơi phân biệt gọi là sương sâm.)

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

VÒ LÁ SÂM THƯỜNG VÀ LÁ SÂM LÔNG


Cuối tuần, mẹ mình gửi lên lá sâm trơn, mẹ mình bảo muốn có món sương sâm ngon nên pha tỷ lệ 80gram lá sâm trơn và 20gram lá sâm lông với 1,5lít nước. Do mình quá sợ sự dẻo quẹo của lá sâm lông, nên thay bằng công thức 100gram lá sâm trơn và 5gram lá sâm lông (khoảng 4 lá) vò với 1,3lít nước lọc thì hỗn hợp đặc lại cũng khá dẻo pha chút giòn tan. Ai thích ăn lá sâm hơi dẻo dẻo thì cho vài lá sâm lông vào vò chung với lá sâm trơn nha.

Màu xanh tươi hơn hẳn so với màu của lá sâm lông.


Miếng sương sâm khá dẻo, dù đặc lại nhưng không vững thành khối như sương sâm trơn nguyên chất. Mặt cắt miếng sương sâm:


Măm thôi! (Thành thật mà nói mình chỉ thích ăn sương sâm trơn thôi!)

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

LÁ SÂM LÔNG


Bạn có bao giờ nghĩ rằng ăn lá sâm bằng nĩa không? Vậy mà câu trả lời là có đó các bạn ạ. 

Khi mình làm lá sâm lông, mình cũng biết loại lá này cho sản phẩm rất dẻo và dai, nhưng thật sự không ngờ nó lại dẻo dai đến mức có thể dùng đũa hoặc nĩa để ăn. Mình dùng nĩa để gấp lên như vậy mà cũng không đứt là bạn biết nó dai như thế nào rồi đó.

Lá sâm lông
Thật sự có thể so sánh độ dai của nó với vỏ bánh dẻo. Mình không hiểu tại sao sản phẩm này vẫn được ưa chuộng trên thị trường chắc là tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người nhỉ chứ mình thì không dám thử lần thứ hai. Về giá tiền của lá sâm lông, như mình đã viết trong bài trước, lá sâm lông mua tận vườn ở dưới Bến Tre quê mình là 100.000 đồng/kg, còn mua trên Sài Gòn là từ 130.000-200.000 đồng/kg tùy theo số lượng mà bạn mua. Tỷ lệ lá sâm lông mọi người thường làm là 100gram với 2,5lít-3lít nước. Bên dưới là sản phẩm mình làm 100gram lá sâm lông với 2,5lít nước. (Mình ăn lá sâm mỏi miệng luôn vì dẻo quá mà!)


Theo mình được biết thì người bán đã pha theo tỷ lệ 100gram với 5lít-6lít nước và cho vào thạch cao hoặc nan mực để lá sâm lông đặc thành khối, nếu không có một trong hai chất trên thì lá sâm lông sẽ dẻo quẹo như trên. Như vậy mua lá sâm bên ngoài ăn sẽ không tốt cho sức khoẻ đâu. Nếu ai thích ăn lá sâm đặc, giòn tan trong miệng thì nên mua lá sâm trơn về vò ăn nhé. Nếu bạn muốn mua lá sâm làm sẵn ngoài chợ, tốt nhất bạn nên biết rõ người bán, chứ không thì thực sự không an toàn đâu các bạn ạ! 

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

MỨT DÂU TÂY


Dâu tây mình mua ở Đà Lạt khá nhiều, nên đã làm mứt dâu để dành ăn. Mình làm theo công thức: 1kg dâu tươi nấu với 600gram đường. Nếu ai thích mứt dâu mật ong thì có thể thay lượng đường bằng mật ong, muốn tăng vị mứt thì thêm nước cốt chanh. Riêng bản thân mình thấy chỉ cần dâu và đường thôi là đủ ngon rồi. 

Còn dâu mình hái tại vườn thì làm dâu dầm ăn với đá và mật ong, cho thêm một ít dâu tằm...Chua ngọt, rất ngon!


Một chút ngẫu hứng với dâu tây (Dâu lúc mới hái ở vườn rất tươi ngon, dâu này mình để vài ngày trong tủ lạnh nên chụp không còn tươi nữa nhỉ!?)

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

VÒ LÁ SÂM (LÁ SƯƠNG SÂM)



Dịp tình cờ mình có lá sâm tươi để vò ăn. Mình nhớ lần đầu tiên vò lá sâm lúc mình còn rất nhỏ, hình như sau vườn có mấy dây lá sâm dại mọc, thế làm muốn ăn lá sâm thì cứ hái về vò ăn. Mình thích nhất là lúc ngồi chờ nước lá sâm đặc lại. ^ - ^. Ngày ấy, lá sâm luôn có sẵn trong vườn nhà, chưa bao giờ mình phải nghĩ là cần mua lá sâm hết.   
Bây giờ vườn sau nhà cũng không còn nữa, tất nhiên là phải mua lá sâm tươi mới có ăn rồi. Lá sâm có nhiều loại và kích cỡ khác nhau nhưng được chia thành 2 loại chính đó là lá sâm lông (bề mặt lá có lông mịn) và lá sâm trơn (lá không có lông). Ở dưới Bến Tre, mình mua tận vườn thì lá sâm lông là 100.000đ/1kg, còn lá sâm thường chỉ có 50.000đ/1kg thôi. Vì độ đặc của lá sâm lông cao hơn lá sâm thường, và lá sâm lông có độ dai, không dễ vỡ như lá sâm thường nên có sự chênh lệch giá như vậy. Tất nhiên không phải lúc nào lá sâm tươi cũng có sẵn mà cần phải dặn chủ vườn trước thì mới có được.

Mùa hè nóng bức nên những thức uống giải nhiệt lên ngôi trong đó có nước lá sâm - một món giải khát dân dã nhưng rất tốt cho sức khoẻ. Và mình cũng mày mò làm lá sâm để ăn cho mát. Bên dưới là công thức cho lá sâm thường, tùy thuộc bạn thích ăn đặc, sệt hay lỏng mà gia giảm công thức cho phù hợp nhé. (Nói thật, mình vẫn thích cảm giác giòn tan trong miệng của lá sâm thường hơn là vị dẻo dẻo của lá sâm lông!)
Công thức (lá sâm đặc):
  • 1 lít nước ấm/nước uống đóng chai
  • 100gram lá sâm tươi đã rửa sạch
Công thức (lá sâm sệt hoặc lỏng):
  • 1,5 – 1,2 lít nước ấm/nước uống đóng chai
  • 100gram lá sâm tươi đã rửa sạch
Cách làm rất đơn giản: chỉ cần cho hết lá sâm vào thau nước rồi vò thôi, vừa vò vừa bóp để ra tinh chất lá sâm. Sau khi thấy vò chỉ còn xác thì đổ hỗn hợp vào rây lượt lại. Hớt bọt trên bề mặt nước lá sâm. Để ngay trong tủ lạnh, sau  khoảng 1-1,5 tiếng thì nước sâm đặc lại.
Lá sâm rửa sạch
Cho lá sâm vào thau nước sạch rồi vò lấy nước
Nước lá sâm sau khi đã lượt bỏ xác
Lá sâm của mình đã đặc lại sau 1,5 tiếng trong tủ lạnh (trong hình là mình làm công thức lá sâm lỏng nha):

Một vài chú ý khi vò lá sâm:
  • Không nên bỏ lá sâm vào máy quay sinh tố vì nước lá sâm sẽ không đặc được.
  • Khi vò lá sâm nên bỏ toàn bộ lá vào vò cùng 1 lượt, không nên vò từng ngụm lá vì như vậy nước lá sâm sẽ bị co lại, chỉ đặc chính giữa thôi.
  • Khi vò lá sâm nên đảm bảo tinh chất lá sâm phân tán đều trong nước thì chúng ta mới có nước lá sâm ngon được.
Tùy vào sở thích của mỗi người, nhưng thông thường lá sâm thường được ăn chung với nước đường hoặc với nước cốt dừa. Riêng mình thì chỉ thích cho nước đường vào rồi quậy lá sâm lên ăn thôi.


Chắc chắn với một ly lá sâm sẽ giúp bạn giải nhiệt vào những ngày hè nóng bức! (Mình có thể ăn một lần một tô lá sâm đó! Bây giờ vẫn nhớ cảm giác đó, từng muỗng lá sâm mát lạnh tan chảy trong miệng! Ăn một hồi hết tô lá sâm hồi nào không hay nữa!)

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

ĐÀ LẠT THÁNG 4: Ngày 3 (7/4/2013) cũng là ngày cuối cùng ở Đà Lạt của mình

Cúc vàng ở Thiền Viện Trúc Lâm
Ngày chủ nhật là ngày cuối cùng của mình ở Đà Lạt. Sáng sớm thức dậy là mình thấy sắp đến ngày về rồi. Thấy tiếc tiếc...!

Lịch trình sáng nay là đến Thiền Viện Trúc Lâm tham quan, sau đó là thẳng tiến về lại Sài Gòn. Khi đến nơi, mình thấy có quá nhiều du khách viếng chùa nên Thiền Viện cũng không còn không gian thanh tịnh vốn có.

Vườn cây được chăm sóc cẩn thận nên tươi tốt hơn so với ở Thung Lũng Tình Yêu. Không chỉ cẩm tú cầu mà tất cả hoa, cây cỏ ở đây thật đẹp và tràn đầy sức sống!






















Từng đợt gió nhẹ mát rười rượi, dường như trong không khí có mùi cỏ cây, chỉ ngồi hít thở thôi mà thấy sảng khoái vô cùng!

Phượng tím trước cổng Thiền Viện Trúc Lâm.



Hoa trước cổng chùa


Tham quan xong là mình lên xe về lại Sài Gòn nóng bức. Tạm biệt thành phố ngàn hoa!

Sau chuyến đi này, mình có một phát hiện thú vị là trong thành phố Đà Lạt không có cột đèn giao thông nào vì đặc trưng đường phố ở đây. Sẽ ít thấy con đường bằng phẳng mà là các con đường dốc lên hay dốc xuống nên việc đặt trụ đèn giao thông là không thể. Đó là lý do mà bạn không thể tìm thấy cột đèn giao thông nào ở thành phố Đà lạt.

Sẵn tiện mình cung cấp thêm thông tin cho các bạn muốn đi du lịch bụi Đà Lạt nhé:

Thông tin đặt xe đi Đà Lạt:
Xe Phương Trang
Tại TP.HCM địa chỉ: 272 Đề Thám - Quận 1 - (08) 3 837 5570
Tại Đà Lạt: Bến xe liên tỉnh hoặc 11A Lê Quý Đôn – Đà Lạt - 063.3585858
Giá vé ngồi là 190.000 VNĐ, còn giường nằm là 210.000 VNĐ.
Thời gian chạy cách tiếng từ 6:00 AM - 11:00 AM, trưa từ 13:00 - 16:00, tối có chuyến 21:00, 24:00.

Xe Thành Bưởi
Xe 7-16–50 chỗ, chạy suốt ngày đêm (Dịp lễ tết thì tăng chuyến).
Tại Thành Phố HCM: 266 – 268 Lê Hồng Phong, Q.10, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 8308090 – 8397747 – 8353123
Tại Đà Lạt: 55 Phan Bội Châu, Đà Lạt. (Trụ sở chính đường Lũ Gia) Điện thoại: (063) 821264 – 837838
Giá vé ngồi là 190.000 VNĐ, còn giường nằm là 210.000 VNĐ.
Thời gian chạy cách tiếng. Riêng vé ghế ngồi không có chuyến: 2:00AM, 4:00AM; còn ghế nằm thì không có chuyến: 3:00AM, 5:00AM.

Vé máy bay: VietnamAirlines đều có 2 chuyến mỗi ngày
HCM-ĐL: 8:10AM - 9:00AM và 15:50 - 16:40
ĐL-HCM: 9:50AM - 10:40AM và 17:30 - 18:20

Thông tin vườn dâu: 
Vườn dâu Danh Hoà: 290A Nguyễn Tử Lực, Phường 8, Tp. Đà Lạt. ĐT: 06 33832 190 (Nếu bạn muốn vào vườn dâu hái dâu thì liên hệ trước chủ vườn để xem còn dâu hay không nha, thường thì chỉ cho ít người vào vườn thôi).
Mình thấy trên trục đường Nguyễn Tử Lực, ngoài vườn dâu trên còn có một số vườn dâu khác nữa. Nhưng mình không có ghé nên không biết như thế nào.

Một vài địa điểm ăn uống:
Nem rán Bà Hùng - 254 Phan Đình Phùng
Yagourt phô mai - Cafê Tùng gần chợ Đà Lạt
Bánh mì xíu mại - Nguyễn Chí Thanh gần chợ Đà Lạt
Bánh ướt lòng gà - Tăng Bạt Hổ
Sữa đậu nành nóng - Chợ Đà Lạt