Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

CHÈ TRÔI NƯỚC


Mọi người chắc không ai xa lạ gì với món chè trôi nước truyền thống, mang đậm màu sắc dân tộc, đúng không nào? Tuỳ theo vùng miền khác nhau mà cách nấu món chè này cũng khác nhau đó. Ở Sài Gòn, mọi người ăn chè trôi nước cho thêm nước cốt dừa để tăng vị béo ngậy (ở quê mình thì không có ăn chè với nước cốt dừa đâu nhé!), và đôi khi phủ lớp đậu phộng rang hoặc mè rang, phần nhân đậu xanh thì xào với hành lá (hành tây hoặc hành phi) nữa, còn ở miền Bắc chè trôi nước không ăn với nước đường và được gọi là bánh trôi nước. Mình nghe mẹ nói, miền Nam thường nấu chè này vào các dịp thôi nôi, đám giỗ và ăn chè với xôi nên gọi riết rồi thành chè xôi nước luôn. Dù tên gọi khác nhau, nhưng các thành phần chính cho món chè này vẫn vậy, vẫn cần bột gạo nếp, đậu xanh, đường nâu, gừng, lá dứa.....để nấu nên một nồi chè trôi nước thơm ngon.

Vậy đó, hứa với bản thân là nấu chè này hơn nửa tháng rồi mà bây giờ mình mới có thời gian làm. Lần này mình nấu chè trôi nước đúng chất mộc mạc như hồi nhỏ mình thường được mẹ nấu cho ăn. Nhớ lại lúc bé, mình cứ đòi mẹ làm nhiều viên trôi nước nhỏ nhỏ không nhân để ăn cho thoả thích, đến bây giờ lớn rồi mình vẫn vậy, vẫn thích mấy ăn viên chủm! Haha!  Tất nhiên, khi nấu chè mình pha thêm bột để vo thêm nhiều viên chủm con con cho mình!^ - ^!

Công thức cho gia đình 4 người:

Nhân đậu xanh:
- 100gram đậu xanh không vỏ
- 30 gram đường
- 1 chút muối
- khoảng 2 teaspoon dầu ăn

Mè: khoảng 50gram mè trắng rang vàng thơm

Vỏ bánh:
- 300gram bột nếp
- 100ml nước ấm
- 200ml nước cốt lá dứa (ấm)
- 1 chút muối
- 30gram bột nếp làm bột áo (có thể tùy vào loại bột nếp khác nhau mà độ hút nước của bột cũng khác nhau, nên để dành một ít bột để thêm nếu bột nhão, thông thường tỷ lệ là 1 bột :1 nước)

Nước đường:
- 1,5 lít nước
- 250gram đường nâu
- 50gram đường phèn
- 1 củ gừng nhỏ xắt lát
- 1 chút muối
- vài cọng lá dứa

Cách làm

1. Ngâm đậu xanh qua đêm, qua sáng hôm sau thì hấp đậu xanh cho chín, thêm đường, muối, dầu ăn vào trộn đều và tán nhuyễn, sau đó vo thành viên tròn vừa ăn. Với 100gram đậu xanh mình vo được 16 viên nhỏ.
2. Trộn 200gram bột nếp với 200ml nước cốt lá dứa, 100gram bột nếp với 100ml nước ấm, nhồi bột cho mịn, mượt. Sau đó, đậy kín tô bột bằng giấy plastic wrap hoặc nếu không có giấy plastic wrap thì đặt tô bột vào 1 nồi to đậy nắp kín, ủ bột trong 1-2 tiếng.

3. Nấu 2lít nước cho sôi, vo tròn bột rồi ấn dẹp, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi vo tròn lại. Mình vo viên chè đến đâu thì bỏ vào luộc. Viên chè khi chín sẽ nổi lên mặt nước. Vướt những viên chè đã chín ra thau nước lạnh.

4.  Nấu nước đường: mình dùng phần nước nấu trên (chắc còn khoảng 1,5 lít nước sau khi nấu chín hết các viên chè), cho đường phèn, đường nâu, gừng xắt lát, muối, lá dứa rồi sau đó nấu sôi cho tan đường thì cho viên chè vào nấu khoảng 10 phút nữa là có thể ăn được rồi.

Nồi chè nấu xong là đến trưa, múc chén chè ra ăn liền, nóng hỏi vừa thổi vừa ăn! Chén chè có nhiều viên chủm....


nhân đậu xanh béo, vỏ bánh dẻo thơm, kết hợp với nước đường ngọt lịm, cay nồng của gừng, thơm thoang thoảng lá dứa, lại thêm mè rang thơm lừng...


Mình thấy ngon không thua gì ở tiệm hết á!


Múc thêm chén chè cho buổi chiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét